
Bệnh quai bị hay còn biết đến với cái tên là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai. Đây được xem là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Bệnh có khả năng lây lan từ người này sang người khác theo đường hô hấp.
Ở nước ta quai bị là căn bệnh rất phổ biến, dễ bùng phát thành dịch. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Như tình trạng viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm màng não, điếc một bên tai,… Và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh truyền nhiễm này. Dẫu vậy phần đông người dân thường lơ là, chỉ thực sự chữa bệnh khi mắc phải chứ chưa có ý thức cao trong việc phòng ngừa quai bị, nhất là đối với trường hợp ở trẻ nhỏ. Bài viết hôm nay chúng tôi xin chia sẻ đến bạn đọc cách phòng chống bệnh quai bị cho trẻ nhỏ.
Mục lục
Bệnh quai bị nguy hiểm như thế nào?
Quai bị là căn bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến ở trẻ nhỏ từ 2 đến 12 tuổi và tỉ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Bệnh do virus paramyxovirus gây ra và được xếp vào dạng truyền nhiễm cấp tính, có thể bùng phát thành dịch ở đối tượng trẻ nhỏ. Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh là tình trạng 2 đau hoặc sưng góc hàm, đau khi há miệng hoặc khi nuốt. Quai bị thực chất là bệnh lành tính và tỉ lệ tử vong do bệnh rất thấp.
Các triệu chứng bệnh quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ
Tại Việt Nam, quai bị thường gây ra các vụ dịch vừa và nhỏ hoặc rải rác trên cả nước. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường gặp hơn ở mùa thu – đông. Mặc dù là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan nhưng quai bị khó phát hiện với những dấu hiệu giai đoạn khởi phát giống cảm cúm thông thường.
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài từ 17 – 18 ngày, người bệnh không có nhiều triệu chứng biểu hiện nên có thể lây lan mầm bệnh cho nhiều người khác khi tiếp xúc mà không có biện pháp phòng ngừa.
Giai đoạn khởi phát bệnh
- Sốt 38 – 39 độ;
- Đau đầu;
- Kém ăn, miệng khô;
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi;
- Đau họng và đau góc hàm;
- Tuyến mang tai to dần và đau nhức.
Giai đoạn toàn phát
- Sau 24-48 giờ khi khởi phát, trẻ sẽ có dấu hiệu viêm tuyến nước bọt hay còn gọi là tuyến mang tai. Đây là một triệu chứng thường gặp ở trẻ bị quai bị. Lúc đầu, trẻ sẽ có dấu hiệu sưng 1 bên mang tai. Sau 1-2 ngày sẽ sưng lên bên còn lại. Trẻ bị quai bị thường sưng 2 bên tuyến mang tai, ít có trường hợp sưng 1 bên. Hai bên má bị sưng viêm sẽ không đối xứng, vùng da bị sưng căng bóng, sờ nóng, không đỏ, đau.
- Trẻ đau hàm khi há miệng, nhai hoặc ăn phải những thức ăn có vị chua.
Giai đoạn lui bệnh
Nếu được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời trẻ sẽ hoàn toàn khỏi bệnh trong vòng 10 ngày. Tuyến nước bọt cũng không bị sưng và không hóa mủ (trừ trường hợp bị nhiễm khuẩn và bội nhiễm).
Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị
Điếc tai
Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, biến chứng điếc tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1/200.000 trẻ bị nhiễm bệnh quai bị. Điếc tai xảy ra ở giai đoạn khởi phát do virus quai bị gây tổn thương ốc tai. Điếc tai do biến chứng quai bị rất khó hồi phục. Thường là điếc một bên tai, hiếm gặp cả hai tai. Hiện nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa biến chứng này. Tuy đã có phương pháp cấy ghép ốc tai để cải thiện thính lực nhưng phương pháp này gây nhiều cản trở và tốn kém.
Viêm não
Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não (gây ra các vấn đề phối hợp vận động). Các biến chứng hệ thần kinh từ quai bị thường gặp hơn ở người lớn hơn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
Viêm tinh hoàn ở bé trai
Cũng như người lớn, trẻ em cũng dễ bị biến chứng viêm tinh hoàn như người lớn. Tỷ lệ thường gặp là 10 bé trai mắc quai bị sẽ có 4 bé bị biến chứng viêm tinh hoàn. Do đó khi thấy trẻ bệnh quai bị có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, đặc biệt là triệu chứng đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể 1 hay 2 bên. Đây là biến chứng cần được điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh trong tương lai.
Viêm buồng trứng ở bé gái
Đối với bé gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ có biểu hiện như đau bụng nhiều. Lúc này bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được siêu âm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Viêm màng não do virus
Đây là một trong những biến chứng hiếm gặp nhất. Nó xảy ra khi virus lây lan qua dòng máu và lây nhiễm vào hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể (não và tủy sống). Đây là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp, điều này xảy ra ở 1 trên 20 trường hợp và thường ở dạng nhẹ.
Nếu một phụ nữ mang thai bị quai bị trong 12-16 tuần đầu của thai kỳ, thai phụ sẽ có nguy cơ sảy thai cao.
Bệnh quai bị lây qua đường nào?
Quai bị lây qua đường hô hấp. Cụ thể là khi:
- Bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.
- Sử dụng chung đồ vật với người bị nhiễm bệnh. Một người bị bệnh chạm lên mũi hoặc miệng, sau đó chạm vào một đồ dùng khác và người lành vô tình dùng chung đồ dùng đó cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Ăn uống chung với người bị nhiễm bệnh.
- Hôn nhau.
Tóm lại, bạn có thể hiểu là khi virus gây bệnh có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của bệnh nhân và khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, khạc nhổ,… mà vô tình người lành hít trực tiếp, dùng chung đồ đạc có chứa virus do bệnh nhân thải ra thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ
Quai bị được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm. Vì thế, khả năng lây nhiễm của bệnh là có. Thậm chí nó có thể lây nhiễm mạnh mẽ và hoàn toàn có thể bùng phát trong cộng đồng nếu chúng ta không biết cách phòng ngừa.
Để phòng ngừa bệnh quai bị, bạn nên chú ý những điều sau:
- Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Nhà ở và trường học nên được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
- Nhắc nhở trẻ phải đeo khẩu trang để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.
- Nếu có biểu hiện bị bệnh, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Người mắc bệnh quai bị nên nghỉ ngơi tại nhà và tốt nhất nên cách ly với mọi người trong khoảng 10 ngày khi có triệu chứng để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang.
- Hiện nay, cách phòng ngừa bệnh tốt nhất chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh. Những trẻ từ 12 tháng tuổi đã có thể tiêm phòng để cơ thể miễn dịch với bệnh trong khoảng một thời gian dài hay có thể là suốt đời. Một số trường hợp khác, nếu đã tiếp xúc với người bệnh thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh để giúp bản thân tránh nhiễm bệnh.
Những loại thực phẩm mà trẻ bị quai bị nên ăn?
Lựa chọn những món ăn dạng lỏng
Khi mắc bệnh quai bị, trẻ thường sốt cao, mệt mỏi, tuyến nước bọt sưng khiến trẻ cảm thấy đau khi nhai và nuốt thức ăn dẫn đến tình trạng biếng ăn, chán ăn, suy giảm sức đề kháng, bệnh kéo dài, khó chữa khỏi. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn những món như: súp, canh, cháo hạt sen, cháo yến mạch…
Trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động dễ bị “lỗi nhịp”, khó tiêu hóa thức ăn. Dẫn đến trẻ không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng. Khắc phục tình trạng này, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn và phân chia liều lượng thức ăn sao cho phù hợp. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu thuyên giảm, phụ huynh không nên vội vàng chuyển sang ăn những loại thực phẩm thô, cứng mà phải duy trì cách ăn như hiện tại đến lúc bệnh khỏi hẳn để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nên ăn những món ăn chế biến từ các loại đậu
Các món ăn được chế biến từ các loại đậu đều mang giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin B1, B2, A, D, E, K, C. Bởi vậy nó được xem như là thực phẩm chống lại bệnh tật. Đặc biệt, đậu còn giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ mắc bệnh quai bị. Một số món ăn được chế biến từ đậu phụ huynh có thể dùng cho trẻ trong thời gian trẻ bị bệnh gồm: Canh đậu hũ non rong biển, cháo đậu xanh, sữa đậu xanh, sữa đậu nành…
Những thực phẩm chế biến từ rau xanh
Rau xanh rất giàu vitamin A, vitamin C, sắt, chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ. Trẻ mắc bệnh quai bị hệ tiêu hóa thường gặp nhiều vấn đề như ăn uống khó tiêu. Do đó bổ sung rau xanh cho trẻ là một trong những vấn đề hết sức cần thiết. Cùng với đó, phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại trái cây có lợi cho sức khỏe.
Nguồn: Medlatec.vn