
Bạn biết gì về bệnh tay chân miệng? Những dấu hiệu cụ thể của bệnh là gì? Bảo vệ con yêu như thế nào trước tình trạng bệnh tay chân miệng vào mùa? Đây là thắc mắc không riêng gì của các ông bố bà mẹ. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch tể lớn. Những biểu hiện như quấy khóc, sốt cao không hạ và hay giật mình đều là những cảnh báo của bệnh tay chân miệng. Mặc dù được xem là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tay chân miệng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Như viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp… thậm chí là đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
Hiện bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng chống. Vậy nên cách tốt nhất là cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Mục lục
Tay chân miệng là bệnh gì?
Tay chân miệng là một bệnh rất phổ biến, thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Thời điểm giao mùa là lúc bệnh bùng phát mạnh mẽ với mức độ lây lan nhanh và rộng. Bệnh tay chân miệng khác với chứng lở mồm long móng ở gia súc, cừu và heo.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng do đâu?
Bệnh do nhóm virus đường ruột gây ra với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cụ thể, nếu là do virus Coxsackievirus A16 thì người bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc và điều trị đúng cách. Nhưng nếu do virus Enterovirus 71 thì người bệnh cần được chăm sóc và điều trị tích cực, nếu không sẽ gặp nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.
Vậy bệnh này có lây không? Câu trả lời là có, thậm chí, mức độ lây lan sẽ rất nhanh nếu không biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệng. Bên cạnh tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân hay dịch bóng nước của người bệnh thì chỉ cần chạm vào những món đồ, vật dụng mà người bệnh đã dùng thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi và đang đi học là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bởi hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, đi học lại tiếp xúc với nhiều bạn bè nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Và khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, nếu người lớn không cẩn thận thì không chỉ bản thân bị lây nhiễm mà còn trở thành trung gian truyền bệnh cho các trẻ khác.
Các dấu hiệu cụ thể của bệnh tay chân miệng là gì?
Phát ban trên da
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
Xuất hiện mụn loét miệng
Vị trí loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng vết loét rất thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 – 3mm. Tình trạng loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống, khiến trẻ bỏ ăn và thường chảy nước miếng liên tục.
Phát sốt
Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 – 38 độ C. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.
Một số dấu hiệu nặng hơn
Ngoài các dấu hiệu trên, một số trẻ còn xuất hiện những triệu chứng nặng hơn, nếu không được điều trị y tế kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những triệu chứng này bao gồm:
- Sốt cao liên tục, không thể hạ sốt dù đã dùng thuốc hạ nhiệt.
- Giật mình, hốt hoảng không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, lơ mơ, ngủ gà, ngủ li bì,…
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc lạnh ở tay, chân.
- Thở nhanh, thở bất thường (thở nông, rút lõm ngực, khò khè).
- Run người, tay chân run, ngồi không vững, đi đứng loạng choạng.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Cho đến nay bệnh Tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đặc hiệu. Chính vì vậy tất cả những gì cha mẹ có thể làm cho con trẻ là chủ động phòng bệnh. Cách ly con với nguồn bệnh là cách hữu hiệu vào lúc này. Thực hiện vệ sinh tốt là cách phòng tránh bệnh trong cộng đồng:
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống
Ăn chín, uống chín. Dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Tốt nhất nên tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em). Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Dạy bé thói quen giữ gìn vệ sinh
Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa
Nhà cửa luôn được quét dọn, lau rửa, hút bụi hàng ngày. Đặc biệt, các vị trí như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế,… cần được vệ sinh kỹ lưỡng. Bởi đây là những vị trí thường tiếp xúc với nhiều người.
Ngoài ra, những đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn. Như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Khử trùng khu vực chung
Thường xuyên làm sạch các khu vực chung mà trẻ dễ tiếp xúc bằng xà phòng và nước, sau đó bằng dung dịch thuốc tẩy clo và nước pha loãng. Các trung tâm chăm sóc trẻ em nên tuân theo một lịch trình nghiêm ngặt về làm sạch và khử trùng tất cả các khu vực chung bao gồm các vật dụng chung như đồ chơi. Vì virus có thể sống trên những đồ vật này trong nhiều ngày. Các mẹ cũng đừng quên thường xuyên vệ sinh núm vú giả cho bé.
Cách ly với người đang truyền nhiễm
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan. Những người mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác trong khi họ có các dấu hiệu của bệnh. Cho trẻ nghỉ học trong thời gian bị bệnh. Thời gian cách ly tối thiểu là cho đến khi các mụn nước đã khô hẳn, thường là 1 tuần.
Quản lý phân
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Nguồn: Thaythuocvietnam.vn