
Sởi là căn bệnh có tính lây nhiễm nhanh và rất dễ bùng phát trở thành dịch bệnh làm cho nhiều người lo lắng. Các triệu chứng của bệnh sởi ở trẻ em đa dạng khó nhận diện làm cho bố mẹ thường nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Các trường hợp phần lớn xuất hiện đều là bệnh sởi ở trẻ em.
Hiện bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dứt điểm nhất là khi vào mùa. Nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong ở trẻ.Vậy nên cha mẹ cần chủ động phòng tránh cho con yêu ngay từ ban đầu. Bài viết hôm nay sẽ gửi đến bạn đọc tất tần tật những kiến thức liên quan đến bệnh sởi cũng như cách phòng ngừa. Hy vọng sẽ giúp ích trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bé.
Mục lục
Bạn biết gì về bệnh sởi ?
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh hay xuất hiện vào thời điểm đông – xuân, thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Ai có nguy cơ mắc bệnh sởi ?
Sởi xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em. Ngoài ra những đối tượng sau cũng có nguy cơ cao với bệnh Sởi:
- Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh Sởi nhất
- Người chưa từng tiêm vacxin phòng ngừa Sởi.
- Người đi vào vùng đang bùng phát dịch Sởi.
- Người bị thiếu vitamin A.
Sởi lây truyền bằng cách nào ?
Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12 -15 ngày. Có trường hợp kéo dài lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4 – 5 ngày sau khi phát ban. Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất. Do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do trẻ lành hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của trẻ bệnh.
Những biểu hiện chính của bệnh
Biểu hiện chính là sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, phát ban. Trẻ thường sốt cao 3-4 ngày sẽ xuất hiện ban dạng sẩn ( gồ lên mặt da ) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Sau 7-10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da. Và để lại những vết thâm thường gọi là ” vằn da hổ”. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban. Một số biểu hiện kèm theo: chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, tiêu chảy…
Biến chứng của bệnh sởi
Các biến chứng của sởi bao gồm:
- Viêm thanh khí phế quản, viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não cấp tính.
- Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm dạ dày,…
- Viêm loét hoại tử giác mạc, hàm mặt,…
- Tiêu chảy và ói mửa.
- Mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa.
- Suy dinh dưỡng nặng.
Bệnh sởi có nguy hiểm không ?
Phần lớn các trường hợp bé bị nhiễm sởi đều tự hồi phục. Tuy nhiên sau khi nhiễm sởi, hệ miễn dịch của bé bị sụt giảm nhiều. Bé có nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng kéo dài. Từ đó làm ảnh hưởng lên sự phát triển toàn diện của trẻ. Những trường hợp sởi có biến chứng viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm loét giác mạc, tiêu chảy cấp, viêm màng não, bé cần nhập viện để theo dõi tình trạng trở nặ ng của bệnh.
Bỏ túi cách phòng bệnh sởi cho bé
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi. Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
- Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
- Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Nếu buộc phải tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang y tế và găng tay.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày.
- Vệ sinh nhà cửa, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.
- Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung. Hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.
- Khi trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác… thì cần đưa đi cơ sở y tế để để được điều trị kịp thời.
Nguồn: Benhvienquan11.vn