
Theo điển tích xưa, Hoa Đà trong một lần vô tình đã phát hiện được công dụng chữa bệnh của nhân trần. Theo đó, sau khi được bệnh nhân viêm gan, vàng da chia sẻ, vị thần y này đã chuyên tâm nghiên cứu về công dụng của nhân trần. Để từ đó, các bài thuốc chữa bệnh viêm gan, vàng da được hoàn thiện. Đây là bài thuốc nam cực quý giá cho các bệnh nhân mắc virut viêm gan. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ các bài thuốc cụ thể từ cây nhân trần và trà nhân trần.
Có một lưu ý đặc biệt đến quý độc giả, bạn không nên tự ý sử dụng nhân trần chữa bệnh. Bởi, các vị thuốc trong Đông y cần bốc đúng liều lượng, đủ vị mới có thể phát huy tác dụng. Bạn nên đi thăm khám các bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn cụ thể và đưa ra phương thuốc hợp lý với bệnh tình.
Mục lục
Thần Y Hoa Đà phát hiện ra công dụng của trà nhân trần
Chuyện xưa kể lại rằng: Có một nữ bệnh nhân tìm gặp danh y Hoa Đà để chữa bệnh. Nhìn thân hình gầy như que củi, sắc mặt vàng vọt, niêm mạc hai mắt mang màu mơ chín, Hoa Đà tiên sinh liền biết rằng cô gái này bị chứng “Hoàng lao bệnh” hay còn gọi là “Hoàng đản bệnh”. Đây là căn bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là viêm gan vàng da. Nhưng vì thời đó chứng bệnh này chưa có cách chữa nên Hoa Đà đành nói với người bệnh: “Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi!”. Cô gái nghe vị danh y nói vậy đành ngậm ngùi trở về nhà. Và cũng không nghĩ chuyện đi tìm thầy chữa bệnh khác nữa.
Một năm trôi qua, tình cờ gặp lại, nhìn thấy cô gái thân hình béo tốt, sắc mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, Hoa Đà rất đỗi ngạc nhiên, hỏi: “Cô đã tìm được ai để chữa khỏi bệnh vậy?”. Cô gái lắc đầu: “Không ạ, cháu không uống thuốc của ông lang nào cả”. Hoa Đà lại hỏi: “Vậy có tự dùng thuốc gì không?”. Cô gái đáp: “Không, cháu cũng không dùng thuốc gì cả”. Hoa Đà tiên sinh trong lòng đầy nghi ngờ, tự hỏi: bệnh nặng mà không dùng thuốc thì làm sao có thể khỏi được? Vì vậy lại gặng hỏi: “Cô thử nghĩ kỹ xem, hàng ngày ngoài việc dùng cơm có còn ăn thứ gì khác nữa không?”. Cô gái đáp: “Không ạ. Mấy năm nay đói kém, cơm gạo chẳng đủ, cháu phải lên núi hái dã cao đầu để ăn”.
Trà nhân trần trong Đông Y
Nghe vậy, Hoa Đà vội nhờ cô gái dẫn đi xem loại rau mà ông chưa hề nghe nói bao giờ. Thì ra đó chính là hoàng cao đầu, một cây thuốc vốn được dùng để chữa chứng hoàng đản. Từ đó trở đi, Hoa Đà chú tâm nghiên cứu khả năng chữa trị của hoàng cao đối với chứng bệnh viêm gan vàng da. Nghe theo lời khuyên của ông, hầu hết bệnh nhân đều khỏi bệnh chỉ bằng việc dùng hoàng cao làm rau ăn trong một tháng. Sau này, để tránh nhầm lẫn, ông đã đặt cho cây thuốc này một cái tên mới gọi là “nhân trần” và viết thành câu thơ cho người đời ghi nhớ: “Tam nguyệt Nhân trần tứ nguyệt cao, ngũ nguyệt khảm lai đương sài thiêu”.
Theo sách thuốc cổ, nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn; vào được bốn đường kinh tỳ, vị, can và đởm; có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Ví như, để trị hoàng đản, kinh nghiệm dân gian dùng nhân trần 15g sắc uống; để chữa viêm da lở loét dùng nhân trần với lượng thích hợp sắc đặc lấy nước ngâm rửa tổn thương; để trị chứng da viêm nề và ngứa nhiều dùng nhân trần 30g, lá sen 15g, hai thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3g với nước đun sôi để nguội có pha một chút mật ong…
Các nghiên cứu về tác dụng của nhân trần
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật; bảo vệ tế bào gan và phòng chống tích cực tình trạng gan nhiễm mỡ; làm hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện lưu lượng tuần hoàn nuôi tim và não; thúc đẩy quá trình dung giải fibrin và chống đông máu.
Ngoài ra, nhân trần còn giải nhiệt, giảm đau và chống viêm; ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, than, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, coli, lỵ, song cầu khuẩn viêm não, viêm phổi và một số loại nấm; cải thiện công năng miễn dịch và ức chế trực tiếp sự tăng sinh của tế bào ung thư. Ngoài ra, nhân trần còn có tác dụng lợi niệu và bình suyễn.
Trên lâm sàng hiện đại, người ta đã nghiên cứu và sử dụng nhân trần để điều trị một số chứng bệnh như viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tan huyết do trực khuẩn thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, hội chứng rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành tim, eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, nấm da…
Sử dụng trà nhân trần trong việc điều trị viêm gan
Nói là “trà” nhưng thực chất là dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống nhằm mục đích phòng và chữa bệnh. Đây là một cách sử dụng thuốc khá độc đáo của y học cổ truyền. Nó vừa tiện lợi, dễ chế, dễ dùng lại rất rẻ tiền. Xin được dẫn ra một số công thức trà nhân trần điển hình dưới đây để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Bài thuốc chữa viêm gan vàng da
- Công thức 1: Nhân trần 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín. Sau 15 phút có thể dùng được. Pha thêm một chút đường phèn uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng. Bài thuốc dùng để phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan cấp và mạn tính.
- Công thức 2: Nhân trần 300g, sinh địa hoàng 60g, trà 30g. Ba vị tán vụn. Mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 – 15 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thông phủ thoái hoàng. Bài thuốc dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính.
- Công thức 3: Bạch hoa xà thiệt thảo 500g, nhân trần 150g, sinh cam thảo 50g. Tất cả tán vụn. Mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi trong bình kín. Sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng. Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
Tăng sức đề kháng, phòng bệnh với trà nhân trần
- Công thức 4: Mạch nha 500g, nhân trần 500g, quất bì 250g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: sơ can lý khí, tiêu thực thoái hoàng. Dùng để trị viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu…
- Công thức 5: Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi trong bình kín. Sau 20 phút thì dùng được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng; dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…
Những điều cần chú ý khi sử dụng nhân trần
Không nên pha chung nhân trần với cam thảo: Nhân trần vốn có tính hàn vị cay đắng tác dụng đào thải còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc. Nó chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau. Và nhân trần giúp giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược… Mặc dù cả hai thứ đều có những công dụng tốt. Nhưng nếu phối hợp lại với nhau thì thành không tốt. Bởi cam thảo có tính chất giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
Phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nước nhân trần, cam thảo. Bởi uống nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể. Điều này dẫn đến người mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn