
Đối với nhiều người dường như đi du lịch Yên Bái chỉ có Mù Cang Chải. Nhưng bạn có biết Yên Bái ở cửa ngõ Tây Bắc là nơi sinh sống của người Việt cổ với hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống, ở đâu. Đây là nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, là trung tâm giao lưu giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc. Nơi đây, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn, những địa danh du lịch Yên Bái đa dạng với các di tích lịch sử cách mạng. Cùng hệ thống đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc.
Yên Bái cũng là nơi du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển khá mạnh ở khu vực Nghĩa Lộ và hồ Thác Bà. Đến địa điểm du lịch Yên Bái ở đâu? Chúng tôi sẽ bật mí cho bạn Top những địa danh du lịch ở Yên Bái đẹp nức tiếng không nên bỏ lỡ!
Mục lục
Mù Cang Chải, Yên Bái
Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ. Đây là một trong tứ Đại Đèo của Tây Bắc. Những ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải ôm viền chân núi – một kiệt tác nghệ thuật đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007.
Thị xã Nghĩa Lộ
Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ bao trùm toàn bộ cánh đồng Mường Lò – cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Việt Nam. Đây là vùng khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, tài nguyên nước có trữ lượng lớn. Cánh đồng Mường Lò là điểm nhấn du lịch của Nghĩa Lộ. Mường Lò xứng với câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.
Suối Giàng- “Sa Pa của vùng đất Yên Bái”
Nằm ở độ cao 1.300-1.400m, cách Hà Nội hơn 200 km, Suối Giàng có khí hậu trong lành, mát mẻ với các bản H’mông cheo leo bên sười núi, được ví như một Sa Pa của vùng đất Yên Bái. Ở Suối Giàng ngoài những cánh rừng chè mới trồng lưng chừng núi thì các vườn chè cổ thụ, trong đó có cây chè người ta tính được vòng đời 300-400 tuổi, luôn hấp dẫn du khách.
Hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam: Hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà được hình thành khi ngăn sông đắp đập xây thủy điện Thác Bà. Với diện tích 240 km2, trải dài 80 km, Thác Bà được công nhận là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ. Trên các dãy núi đá vôi và các hòn đảo trong khu vực hồ có nhiều hang động đẹp cùng các chùa, đền gắn liền với nhiều sự tích và truyền thuyết lâu đời.
Làng Ngòi Tu
Làng văn hóa Ngòi Tu là nơi sinh sống của người Dao quần trắng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Ngòi Tu là một điểm du lịch cộng đồng. Được chính quyền tỉnh Yên Bái chú trọng trong khoảng thời gian gần đây. Ngòi Tu được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đặc sắc. Kết hợp cùng những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây. Tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng biệt.
Địa danh du lịch: Thác Pú Nhu
Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên, các bọt nước bốc hơi khiến thác Pú Nhu như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C. Khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày.
Háng Tề Chơ
Háng Tề Chơ là tên con thác huyền thoại của miền Tây Bắc, thuộc xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Đường vào bản Háng Tề Chơ từ xã Làng Nhì tương đối thử thách, nhiều đoạn chỉ dành cho ngựa, xe máy không thể đi vào. Đây được coi là “hiểm địa” vùng Tây Bắc và chỉ dành cho dân du lịch ưa khám phá và cảm giác mạnh.
Suối khoáng nóng, khu 5, Trạm Tấu
Cách trung tâm Trạm Tấu chưa đầy 2km về phía Tây Bắc là một khu suối khoáng nóng. Nằm ngay sát dưới chân những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Tọa lạc tại khu 5, thị trấn Trạm Tấu. Nguồn suối khoáng nóng này hoàn toàn tự nhiên. Nhiệt độ trung bình khoảng 50 độ C, chảy luồn lách qua từng khe đá và được trữ lại ở mỗi ghềnh đá cuội. Tạo thành hai ao tắm với hai nhiệt độ khác nhau tùy theo nhu cầu của du khách.
Nà Hẩu
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thuộc địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn. Nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Nà Hẩu khá thích hợp cho những nhóm bạn yêu thích trekking, cắm trại. Hay khám phá thiên nhiên.
Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục. Chủ yếu là các loài như Chò nâu, Giổi, Trám…tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái. Tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như Gội, De, Giẻ… tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau. Chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng. Tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, Dương sỉ, Cau rừng…Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau. Trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như Lát Hoa, Pơ mu… phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên.
Nguồn: Truyenhinhdulich.vn